(PLO)- Theo quy định, những khoản vay mà một bên vợ/chồng tự vay, không đủ căn cứ chứng minh là để phục vụ nhu cầu thiết yếu thì không thể buộc bên kia chịu trách nhiệm.

Mới đây, Trường ĐH Kinh tế - Tài chính TP.HCM (UEF) tổ chức buổi Báo cáo chuyên đề thực tiễn giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình dưới góc nhìn của thẩm phán, kiểm sát viên và luật sư.

Nghĩa vụ trả nợ với khoản vay trong thời kỳ hôn nhân

Phát biểu tại chương trình, thẩm phán TAND Cấp cao tại TP.HCM Trần Thị Huyền Vân cho biết trước khi kết hôn, nam nữ có quyền đến văn phòng công chứng để xác định chế độ tài sản, như khi đăng ký kết hôn thì tài sản người nào làm ra sẽ là của người đó và hoa lợi từ tài sản riêng là của người đó… Thậm chí có người sẽ lập thỏa thuận quà cưới thuộc về ai hay một trong hai bên trúng số, được thưởng là của riêng người đó.

Vợ ký giấy vay nợ, chồng có phải trả? ảnh 1

Các chuyên gia nói về thực tiễn giải quyết tranh chấp về hôn nhân và gia đình. Ảnh: SONG MAI

Bên cạnh đó, Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định các giao dịch phục vụ cho nhu cầu thiết yếu của gia đình, chỉ cần một bên vợ hoặc chồng xác lập và khi thực hiện sẽ phát sinh nghĩa vụ liên đới cho cả vợ và chồng.

Quy định này đặt ra vấn đề khi phát sinh nghĩa vụ trả nợ, liệu rằng việc vợ hoặc chồng xác lập giao dịch vay mượn theo ý chí của một bên thì cả hai vợ chồng có phải liên đới trả nợ?

Giải đáp vấn đề này, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM Huỳnh Thị Ngọc Hoa cho biết với những khoản vay không đủ căn cứ chứng minh là để phục vụ cho nhu cầu thiết yếu thì không thể buộc bên kia chịu trách nhiệm.

Bà Hoa lấy ví dụ trong một vụ kiện, người vợ vay nợ 5 tỉ đồng nên bị chủ nợ khởi kiện. Xét xử sơ thẩm và phúc thẩm, tòa buộc hai vợ chồng cùng trả nợ. Sau đó, VKSND Cấp cao tại TP.HCM đã kháng nghị giám đốc thẩm vì có tình tiết con trai mà hai vợ chồng nuôi không phải là con ruột của người chồng, đứa bé được sinh ra trước thời điểm vay nợ khoảng hai năm. Đây là bằng chứng chứng minh hai vợ chồng không còn duy trì hôn nhân, việc vay tiền không phải nhu cầu thiết yếu cho cuộc sống chung của vợ chồng. Trên cơ sở đó, TAND Cấp cao tại TP.HCM đã chấp nhận kháng nghị, tuyên hủy án để xét xử lại. Sau khi xét xử lại, tòa đã loại bỏ trách nhiệm trả nợ của người chồng.

Lưu ý khi sống thử trước hôn nhân

Cũng tại chương trình, vấn đề sống thử và pháp lý xung quanh vấn đề này được nhiều người đặt ra. Theo đó, bà Huỳnh Thị Ngọc Hoa lưu ý muốn sống thử thì cần phải nghiên cứu đối tác của mình, bởi có nhiều trường hợp sống thử và tự gây ra hậu quả.

Theo bà Hoa, thực tiễn có trường hợp tuy là trẻ em nhưng các em có thể trạng phát triển vượt trội hơn, có em chỉ 12 tuổi nhưng nhìn như 17, 18 tuổi; hoặc có những em 14, 15 tuổi nhưng làm khai sinh trễ (không thể chứng minh được) nên về mặt pháp lý, em đó mới dưới 13 tuổi. Trong khi đó, luật quy định hành vi giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người dưới 13 tuổi sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi.

Chính vì vậy, nếu sống thử mà không tìm hiểu kỹ về độ tuổi của đối tác sẽ rất dễ mang đến rủi ro pháp lý.

Độ tuổi kết hôn tại Việt Nam là phù hợp

Nói về độ tuổi được phép kết hôn tại Việt Nam, Phó Viện trưởng VKSND TP.HCM Huỳnh Thị Ngọc Hoa cho biết việc quy định độ tuổi kết hôn phụ thuộc vào mặt sinh học, gen và yếu tố xã hội, môi trường.

Trước đây, vấn đề độ tuổi kết hôn cũng gây ra nhiều tranh cãi, thảo luận để đưa đến thống nhất cuối cùng như quy định tại Luật Hôn nhân và gia đình 2014 là phù hợp. Bởi về đặc điểm sinh học, tâm sinh lý của người nam sẽ chậm hơn người nữ cùng độ tuổi. Ngoài ra, ở nước ta có quan niệm người nam là trụ cột trong gia đình. Người nam 20 tuổi mới phát triển toàn diện, đầy đủ về thể chất, nhận thức, có trách nhiệm để có thể đảm đương gia đình, nuôi dạy con cái. Khi gia đình tốt, phát triển thì xã hội mới tốt và phát triển, đất nước mới phồn vinh.